Trăn trở mùa tuyển sinh: Chọn bằng cấp hay chọn việc làm?
Trước mỗi kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng, nhiều phụ huynh và học sinh phải đứng trước quyết định khó khăn khi đưa ra lựa chọn môi trường nên theo học phù hợp với năng lực và rộng cửa nghề nghiệp tương lai.
Thị trường việc làm ở Việt Nam đang chứng kiến tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” ngày càng cao. Trong tổng số nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, các vị trí cần trình độ từ đại học trở lên chỉ chiếm gần 23%, nhóm cao đẳng lại lên tới 24,61%.
Nhiều chuyên gia đánh giá giai đoạn này, lao động có trình độ từ đại học trở lên gặp khó khăn khi tìm việc hơn các nhóm khác. Nguyên nhân đến từ nhu cầu của nhà tuyển dụng và kỳ vọng về mức lương, khả năng đáp ứng của người lao động đối với các vị trí.
Song, tâm lý chuộng bằng cấp khiến nhà nhà đổ xô đi học đại học, không cân nhắc tới các yếu tố như nhu cầu thị trường, khả năng tài chính cũng như năng lực bản thân, dẫn đến hậu quả nhiều cử nhân đại học hoặc sau đại học không thể tìm được việc sau khi tốt nghiệp, phải “giấu bằng” đi ứng tuyển vào các công việc phổ thông. Điều này không chỉ gây tốn kém nguồn lực xã hội mà còn khiến họ đánh mất thời gian, cơ hội của bản thân.
Lựa chọn học ngành nào cho phù hợp? Xã hội và nhà tuyển dụng đang ưu tiên bằng cấp hay yếu tố làm được việc? Liệu học cao đẳng, tập trung rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp có giúp các bạn trẻ đến gần hơn với việc làm? Đó là những câu hỏi khiến nhiều học sinh lớp 12 và phụ huynh trăn trở, nhất là khi kỳ thi tốt nghiệp, tuyển sinh sắp đến gần.
Nhằm mang tới những thông tin định hướng thị trường từ cơ quan quản lý, tư vấn từ chuyên gia giáo dục và góc nhìn của nhà tuyển dụng tới học sinh 2K6 và phụ huynh, báo Dân trí kết hợp cùng Trường cao đẳng FPT Polytechnic tổ chức tọa đàm “Chọn bằng cấp hay chọn việc làm?”.
Chương trình có sự tham gia của các khách mời:
– TS Phạm Vũ Quốc Bình – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp.
– Ông Vũ Chí Thành – Hiệu trưởng Trường cao đẳng FPT Polytechnic.
– Anh Lê Mạnh Cường – Trưởng nhóm lập trình giao diện trang web, Trung tâm akaVerse, Công ty hệ thống thông tin FPT.